Giảm đau sau phẫu thuật
Theo định nghĩa của Hiệp hội Nghiên cứu về Đau Quốc tế IASP, đau được định nghĩa là một trải nghiệm khó chịu về mặt cảm giác và cảm xúc, có liên quan đến hoặc gần như có liên quan đến tổn thương mô thực sự hoặc tiềm tàng. Đau mang tính cá nhân và được mô tả khác nhau bởi trải nghiệm và cảm xúc của mỗi người bệnh.
Sau một đợt phẫu thuật, người bệnh thường phải đối mặt với những cơn đau cấp hoặc kéo dài, cùng với suy giảm chức năng các cơ quan. Đau sau mổ thường bắt đầu bởi một đợt đau cấp do tổn thương mô tại vị trí phẫu thuật xảy ra sau mổ. Đợt đau cấp bắt đầu ngay sau đợt phẫu thuật và có thể được nối tiếp bởi các cơn đau mạn kéo dài.
Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức đảm nhận gây mê hồi sức cho nhiều chuyên ngành như: phẫu tiêu hoá, gan mật, tiết niệu, đầu mặt cổ, lồng ngực - vú phụ khoa,... Ngay từ khi thành lập khoa được sự quan tâm của Đảng ủy ban lãnh đạo bệnh viện, khoa đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phòng mổ và phương tiện hiện đại. Để phục vụ các kỹ thuật gây mê hồi sức, giảm đau cho người bệnh, Bệnh viện đã xây dựng, chuẩn hóa quy trình gây mê, gây tê, giảm đau và có phác đồ cụ thể theo từng người bệnh, mang lại độ an toàn cao nhất cũng như giúp người bệnh cảm thấy thoải mái nhất. Bệnh viện cũng có đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng gây mê được đào tạo bài bản, nhiệt huyết, giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao cùng với trang thiết bị hiện đại như: máy gây mê kèm thở GE Carestation 620 với các modun theo dõi độ đau, độ mê, độ giãn cơ, máy truyền giảm đau do bệnh nhân tự kiểm soát PCA,... chắc chắn sẽ mang lại sự hài lòng cho người bệnh, để đau không còn là nỗi ám ảnh trong tâm trí mỗi người bệnh khi trải qua cuộc phẫu thuật.
1. Cơ chế gây đau - nền tảng kiểm soát đau
Về cơ bản, có hai cơ chế chính dẫn đến cơn đau của người bệnh, bao gồm kích thích thụ cảm thể đau, phần lớn liên quan đến viêm, và sự tổn thương tế bào thần kinh ở ngoại biên hoặc trung ương.
Cơ chế thứ nhất, đau do kích thích (nociceptive pain), các thao tác xâm lấn gây tổn thương mô tại vị trí mổ dẫn đến sự phóng thích các chất trung gian hóa học gây đau (kinin, histamin, prostaglandin,...), các chất này kích thích vào thụ thể đau (nociceptor) ở đầu tận cùng các dây thần kinh ở các mô đáp ứng. Các tín hiệu này truyền dọc theo các sợi thần kinh đến sừng sau tủy sống, sau đó truyền lên đồi thị và võ não. Tại vỏ não, các xung động dẫn truyền cảm giác được xử lý và lưu lại. Trong quá trình tín hiệu đau dẫn truyền từ vỏ não ra ngoại biên, các tín hiệu có thể bị suy giảm và ức chế một phần bởi các opioid nội sinh (các enkephalin và b-endorphin), g-aminobutyric acid (GABA), norepinephrin hoặc serotonin.
Cơ chế thứ hai, đau sau phẫu thuật cũng có thể xảy ra sau các tổn thương dọc theo sợi dẫn truyền cũng như rối loạn cơ chế điều chỉnh cảm giác đau ở thần kinh trung ương. Trường hợp này gọi là đau theo cơ chế thần kinh (neuropathic pain). Rất nhiều chất dẫn truyền thần kinh và các chất khác, ví dụ như các cytokin (IL-6, IL-8, IL-2β), tham gia vào cơ chế này.
Ngoài ra, người bệnh sau phẫu thuật có thể than phiền đau, nhưng là dạng đau do căn nguyên tâm lý (psychogenic pain). Những trường hợp này thường mang yếu tố ám ảnh nhiều hơn cơn đau thực sự với những triệu chứng không điển hình. Người bệnh mô tả cơn đau kéo dài dường như không bao giờ chấm dứt mà không thể mô tả rõ ràng.
2. Kiểm soát cơn đau sau phẫu thuật
Các cơn đau do cơ chế kích thích thụ cảm đau thường đáp ứng tốt với các thuốc giảm đau kháng viêm non-steroid (NSAIDs) và các opioid từ yếu đến mạnh. Tuy nhiên các cơn đau do thần kinh hoặc tâm lý đòi hỏi các cơ chế giảm đau đặc thù hơn và thậm chí là các liệu pháp về tâm lý.
Giảm đau đa mô thức
Giảm đau sau mổ được khuyến cáo phối hợp các nhóm thuốc có cơ chế tác động khác nhau, gọi là giảm đau đa mô thức (multimodal pain management, hay multimodal analgesia). Việc phối hợp giúp đạt hiệu quả giảm đau cao hơn, đồng thời giảm các tác dụng có hại so với dùng liều cao một thuốc giảm đau đơn lẻ.
Các thuốc chính trong điều trị giảm đau, gồm:
Opioid được chỉ định cho tất cả các trường hợp đau sau phẫu thuật từ trung bình đến nặng và là cũng nhóm thuốc trung tâm trong giảm đau sau phẫu thuật. Hiện nay, đường tiêm tĩnh mạch (IV) các opioid như morphin, meperidin, fentanyl, hydromorphon được dùng phổ biến nhất trên lâm sàng gây mê hồi sức.
Các sự lựa chọn phối hợp với opioid đã được chứng minh an toàn và hiệu quả trong giảm đau sau phẫu thuật bao gồm: Nefopam, các NSAIDs (diclofenac, metamizol, celecoxib...), pregabalin và gabapentin, ketamine, lidocaine.
Sự phối hợp trong giảm đau đa mô thức cho phép giảm liều opioid so với dùng opioid đơn độc, từ đó giảm được các tác dụng phụ không mong muốn do opioid và làm giảm quá trình dung nạp thuốc.
Một kỹ thuật mới hiện nay đang áp dụng tại Bệnh viện Ung bướu Thanh hóa là giảm đau tự kiểm soát bằng đường tĩnh mạch (IV-PCA) cũng là phương pháp được khuyến cáo là phương pháp ưu tiên. Phương pháp này giúp người bệnh tránh được việc dùng quá liều opioid, đồng thời làm tăng sự hài lòng và hợp tác của người bệnh.
Gây tê vùng trong giảm đau sau phẫu thuật
Giảm đau đa mô thức ngoài các sử dụng các thuốc ở trên thì việc phối hợp với gây tê vùng cũng được sử dụng rất phổ biến. Thông qua việc phong bế thần kinh liên tục theo từng khu vực phẫu thuật bởi các thuốc gây tê, gây tê vùng trong giảm đau đa mô thức giúp giảm biến chứng tim mạch, rút ngắn thời gian nằm viện, phục hồi sớm và giảm tử vong cho người bệnh.
Phong bế thần kinh trung ương liên tục (Continous Central Neuraxis Blockage, CCNB) là một trong những biện pháp gây tê sau phẫu thuật có xâm lấn hiệu quả nhất và được sử dụng phổ biến trong các phẫu thuật lớn vùng bụng, lồng ngực khi các liệu pháp giảm đau đã đề cập kém đáp ứng. Gây tê ngoài màng cứng tự điều chỉnh (Patient-controlled epidural analgesia, PCEA) là phương pháp rất hiệu quả trên thế giới những thập niên gần đây.
Mặt khác, đối với các phẫu thuật khu trú hơn, phong bế thần kinh ngoại biên (Continuous Peripheral Nerve Blockage, CPNB) được chỉ định thay thế. Cả hai phương pháp đều góp phần giảm liều opioid để giảm đau sau mổ.
3. Chiến lược giảm đau sau phẫu thuật
Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức Bệnh viện Ung bướu Thanh hóa hiện nay cũng đã áp dụng các kỹ thuật giảm đau sau phẫu thuật tiên tiến, hiệu quả như: Kỹ thuật giảm đau sau phẫu thuật bằng phương pháp ngoài màng cứng và giảm đau bằng thuốc đường tĩnh mạch do người bệnh tự kiểm soát (PCA).
Những kỹ thuật giảm đau sau phẫu thuật này mang lại rất nhiều hiệu quả như:
- Người bệnh cảm thấy dễ chịu, đau rất ít, ngay cả những phẫu thuật có mức độ đau nặng như: phẫu thuật vùng bụng trên (gan, dạ dày), phẫu thuật vùng ngực ...
- Giúp nhanh hồi phục sức khoẻ, vết mổ nhanh lành, giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị bệnh. Đặc biệt trên những bệnh nhân già yếu, có những bệnh lí nền phối hợp như tim mạch, hô hấp, ...giảm đau sau phẫu thuật giúp làm giảm rõ rệt tình trạng khó thở, rối loạn tim mạch sau mổ, giảm các biến chứng nặng cho người bệnh
- Vận động sớm: Có thể đi lại sau khoảng 16 - 24 giờ sau phẫu thuật, giúp phòng tránh tắc mạch máu và dính ruột, dính vết mổ, giúp hệ tiêu hoá nhanh hồi phục, giảm nguy cơ nhiễm trùng sau mổ
- Giảm các biến chứng do nằm lâu, tránh diễn tiến thành đau mãn tính
- Chi phí hợp lý, an toàn.
Các kỹ thuật giảm đau sau phẫu thuật sẽ được thực hiện tại phòng mổ và thuốc được duy trì liên tục trong 3 đến 5 ngày sau phẫu thuật.
Nhân viên y tế sẽ đi thăm khám tại giường và điều chỉnh liều giảm đau phù hợp với người bệnh trong thời gian dùng thuốc đem lại sự hài lòng cho các bệnh nhân sử dụng dịch vụ.
4. Kết luận
Để giảm đau được hiệu quả nhất thì phải dùng thuốc từ khi người bệnh chưa đau, nếu để đau nhiều mới dùng thuốc thì sẽ không đạt được hiệu quả tối đa.
Giảm đau sau phẫu thuật là thành phần thiết yếu của chương trình chăm sóc phục hồi sớm sau phẫu thuật ERAS (Enhanced Recovery After Surgery), một chương trình đang được thực hiện thường quy cho tất cả các người bệnh phẫu thuật tại Bệnh viện Ung bướu Thanh hóa, bao gồm các kế hoạch chăm sóc người bệnh trước, trong và sau phẫu thuật. Giảm đau sau phẫu thuật cũng như ERAS đã, đang và sẽ giúp cho tất cả các người bệnh phẫu thuật tại bệnh viện giảm thời gian nằm viện, nâng cao chất lượng điều trị, giảm chi phí, giảm tỷ lệ biến chứng và tăng cường hồi phục sớm sau phẫu thuật.
5. Một số hình ảnh người bệnh sử dụng dịch vụ giảm đau sau mổ
|
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Văn Chinh (2015), "Gây tê tủy sống, Gây tê ngoài màng cứng", Gây mê hồi sức lý thuyết và lâm sàng, tr. 229-236, tr. 243-248.
2. Nguyễn Văn Chinh, Nguyễn Thi Hùng, Nguyễn Văn Chừng (2012), "Nghiên cứu hiệu quả của gây tê tủy sống kết hợp với gây tê ngoài màng cứng trong phẫu thuật khớp gối, khớp háng", Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh, tập 16(1), tr. 328-336.
3. Nguyễn Thu Chung (2014), "Hiệu quả vô cảm CSE bằng Marcain + Fentanyl trong và sau mổ thay khớp chi dưới tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương", Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh, tập 18(4), tr. 124-134.
4. Lê Văn Chung và Nguyễn Văn Chừng (2011), "Đánh giá hiệu quả phương pháp kết hợp gây tê tủy sống ngoài màng cứng với Bupivacaine đẳng trọng và Sufentanyl để mổ thay khớp háng người cao tuổi", Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh, tập 15(1), tr. 284-292.
5. Vũ Văn Kim Long, Võ Thị Kiều Chinh,Nguyễn Thị Tuyết Minh (2019) :" Đánh giá hiệu quả giảm đau bằng gây tê tủy sống kết hợp gây tê ngoài màng cứng ở bệnh nhân phẫu thuật nội soi cắt đại, trực tràng tại bệnh viện Trường Đại Học y Dược Cần Thơ"
6.Trần Đỗ Anh Vũ, Nguyễn Văn Chừng (2014): "Đánh giá hiệu quả và mức độ hài lòng của gây tê ngoài màng cứng trong phẫu thuật bụng dưới". Y học Tp H Chí Minh tập 18(4), 82-90.
7. Nguyễn Thành Vinh và Nguyễn Văn Chừng (2006), "Gây tê tủy sống và gây tê ngoài màng cứng phối hợp để giảm đau trong và sau mổ", Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh, tập 10(1), tr. 51-57.
8."Gây tê tủy sống phối hợp gây tê ngoài màng cứng liên tục" Bệnh viện 103
9. Đào Khắc Hùng và cộng sự (2012), " Đánh giá hiệu quả của phương pháp gây tê tủy sống với ngoài màng cứng để mổ và giảm đau sau mổ phụ khoa", tạp chí y học thực hành, tập 852(5), tr 103-107
10. Bộ Y tế. Dược Thư Quốc gia Việt Nam. Nhà xuất bản Y học. Hà Nội. 2011.
11. Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Hữu Tú, Công Quyết Thắng (2012): "Nghiên cứu hiệu quả giảm đau và ảnh hưởng hô hấp của giảm đau tự điều khiển đường ngoài màng cứng ngực sau mổ bụng trên ở người cao tuổi". Y học thực hành (835+836), 72-77.
BSCKI. Lê Đức Minh - Khoa PT - Gây mê Hồi sức
- Giảm đau sau phẫu thuật
- Đốt sóng cao tần (RFA) điều trị ung thư gan tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa
- Quản lí và điều trị đau trên bệnh nhân ung thư
- Phẫu thuật ung thư cổ tử cung tại bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hoá
- Điều trị đích - hy vọng cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn tiến xa
- Triển khai thành công ứng dụng sinh học phân tử phát hiện đột biến Gen trong chẩn đoán và điều trị ung thư lần đầu tiên tại Thanh Hóa
- Case lâm sàng: điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn IV di căn màng phổi tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa
- Chỉ định hóa trị liệu điều trị ung thư phổi và tác dụng phụ không mong muốn
- Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa cấp cứu thành công trường hợp bệnh nhân vỡ u gan do ung thư gan bằng phương pháp nút mạch khối u vỡ
- Ung thư phổi di căn đại tràng: Báo cáo ca bệnh tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa
Tin tức mới nhất
Các ngày trong tuần từ Thứ 2 đến Chủ nhật
Mùa đông: 7:15 - 11:30 | 13:15 - 17:00
Mùa hè: 7:00 - 11:30 | 13:30 - 17:00
Trực cấp cứu: 24/24