Đốt sóng cao tần (RFA) điều trị ung thư gan tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa
Ung thư gan là ung thư đứng đầu tại Việt Nam, trong đó 90% số ca ung thư gan là ung thư biểu mô tế bào gan (HCC). Theo Globocan 2020 (Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế), tỷ lệ mắc mới ung thư gan tại Việt Nam chiếm 14,5% tổng số ung thư và 77% số ca ung thư gan là nam giới. Ung thư gan cũng là ung thư có số ca tử vong dẫn đầu chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư, gấp 3,8 lần tổng số ca tử vong do TNGT năm 2020.
Ung thư gan gồm ung thư gan nguyên phát và thứ phát. Ung thư gan thứ phát do các tế bào ung thư ở các bộ phận khác của cơ thể gây ra các khối u di căn vào gan. Ung thư gan nguyên phát là bệnh lý ác tính của gan xảy ra khi tế bào bình thường của gan trở nên bất thường về hình thái và chức năng. Ung thư gan nguyên phát gồm 3 loại chính: ung thư biểu mô tế bào gan (phát triển từ tế bào gan), ung thư biểu mô đường mật (phát triển từ đường mật trong gan) và u nguyên bào gan (Hepatoblastoma). Trong đó ung thư biểu mô tế bào gan là hay gặp nhất.
Phương pháp phổ biến để điều trị ung thư gan là điều trị đa mô thức, do vậy việc lựa chọn phác đồ điều trị ung thư gan thích hợp phải phụ thuộc vào tổn thương và tình trạng xơ gan. Các phương pháp điều trị ung thư gan phổ biến bao gồm: phẫu thuật, ghép gan, phá hủy u tại chỗ, nút hóa chất động mạch gan, xạ trị, hóa trị hay điều trị đích...
Ung thư gan giai đoạn sớm có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật cắt gan, với điều kiện chức năng gan còn tốt. Tuy nhiên, chỉ khoảng 9-29% bệnh nhân đủ điều kiện thực hiện bởi ung thư gan thường đi kèm xơ gan, phẫu thuật có thể khiến chức năng gan không đảm bảo, dẫn đến suy gan. Hiện nay, người bệnh ung thư gan có thêm lựa chọn điều trị mới là đốt sóng cao tần (RFA). Phương pháp này sử dụng nhiệt để phá hủy các tế bào ung thư gan mà không ảnh hưởng đến tế bào gan lành. Do đó, người bệnh được bảo tồn tối đa chức năng gan, hạn chế nguy cơ suy gan, nhiễm trùng, chảy máu. Kỹ thuật không cần gây mê, ít xâm lấn nên người bệnh có thể xuất viện sớm. "Khoảng 90% các khối u gan nhỏ dưới 3 cm được điều trị thành công bằng đốt sóng cao tần. Hiệu quả kéo dài tiên lượng sống trên 5 năm của người bệnh dùng phương pháp này là khoảng 68%, tương đương với phẫu thuật cắt gan".
Hiệp hội Nghiên cứu về Gan của châu Âu (EASL) đã khuyến nghị sử dụng đốt sóng cao tần để điều trị ung thư gan giai đoạn sớm, trong trường hợp bệnh nhân không đủ điều kiện sức khỏe để phẫu thuật hoặc không muốn phẫu thuật. Đối với ung thư giai đoạn tiến triển, bác sĩ có thể kết hợp đốt sóng cao tần với các phương pháp điều trị khác như nút mạch hóa chất, điều trị đích để đạt hiệu quả tối ưu.
Thách thức lớn nhất khi đốt sóng cao tần điều trị ung thư gan là kiểm soát vị trí kim đốt và nhiệt lượng tỏa ra, sao cho vừa đủ tiêu diệt khối u mà không làm tổn thương các tạng lành. Ở giai đoạn rút kim đốt ra khỏi cơ thể, bác sĩ cần xử lý cẩn trọng để không làm lây lan tế bào ung thư trên đường di chuyển của kim. Các báo cáo trên thế giới ghi nhận số lượng ca biến chứng sau khi đốt sóng cao tần rất hiếm gặp, có thể kiểm soát được nếu chỉ định đúng bệnh nhân và kỹ thuật chính xác.
Ung thư gan hiện nay vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều người vì tiên lượng khó hơn các bệnh ung thư khác và đặc biệt đây là căn bệnh đang gia tăng ở Việt Nam. Cách tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ siêu âm gan 6 tháng/lần, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như viêm gan virus B, C, xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu,...
Hiện phương pháp điều trị ung thư gan bằng sóng cao tần đã và đang thực hiện thường quy tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh & thăm dò chức năng - Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa từ năm 2018 đến nay đạt hiệu quả cao, an toàn, ít xâm lấn, không để lại sẹo, khả năng phục hồi nhanh và được bảo hiểm y thế thanh toán.
- Giảm đau sau phẫu thuật
- Đốt sóng cao tần (RFA) điều trị ung thư gan tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa
- Quản lí và điều trị đau trên bệnh nhân ung thư
- Phẫu thuật ung thư cổ tử cung tại bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hoá
- Điều trị đích - hy vọng cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn tiến xa
- Triển khai thành công ứng dụng sinh học phân tử phát hiện đột biến Gen trong chẩn đoán và điều trị ung thư lần đầu tiên tại Thanh Hóa
- Case lâm sàng: điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn IV di căn màng phổi tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa
- Chỉ định hóa trị liệu điều trị ung thư phổi và tác dụng phụ không mong muốn
- Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa cấp cứu thành công trường hợp bệnh nhân vỡ u gan do ung thư gan bằng phương pháp nút mạch khối u vỡ
- Ung thư phổi di căn đại tràng: Báo cáo ca bệnh tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa
Tin tức mới nhất
Các ngày trong tuần từ Thứ 2 đến Chủ nhật
Mùa đông: 7:15 - 11:30 | 13:15 - 17:00
Mùa hè: 7:00 - 11:30 | 13:30 - 17:00
Trực cấp cứu: 24/24