Hướng dẫn sử dụng albumin đường tĩnh mạch
THÔNG TIN THUỐC
Hướng dẫn sử dụng albumin đường tĩnh mạch
1. Vài nét tổng quan về albumin
Albumin (human serum albumin HSA) là một protein quan trọng, chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng protein trong huyết tương, nồng độ trong huyết tương bình thường ở mức 3,5 5 g/dl. HSA có trọng lượng phân tử 66,5 kDa, giữ vai trò duy trì áp lực keo trong lòng mạch và liên kết và vận chuyển một số chất nội sinh hoặc ngoại sinh như bilirubin, hormon steroid, và thuốc có trong máu. Albumin được sản xuất tại gan, trong điều kiện bình thường chỉ khoảng 20-30% các tế bào gan đảm nhiệm vai trò sản xuất; khoảng 10-15 g được sản xuất, giải phóng vào hệ tuần hoàn mỗi ngày và hầu như không được dự trữ tại tế bào. Tuy nhiên, trong điều kiện đặc biệt, HSA có thể được tăng sản xuất gấp 3-4 lần bình thường do khai thác một lượng lớn các tế bào gan. Năm 1940, albumin được giáo sư Edwin Cohn - một giáo sư sinh hóa tại Trường Y Harvard chiết tách từ huyết tương thành công và bắt đầu được sử dụng trong lâm sàng.
2. Dược lý và cơ chế tác dụng của albumin
Dung dịch albumin điều chế từ máu toàn phần chứa các protein hòa tan và các chất điện giải nhưng không có các yếu tố đông máu, kháng thể nhóm máu hoặc các cholinesterase huyết tương, nên có thể truyền mà không cần chú ý đến nhóm máu của người nhận.
Albumin là protein quan trọng nhất của huyết thanh tham gia vào 2 chức năng chính là: Duy trì áp lực thẩm thấu keo trong huyết tương; liên kết và vận chuyển một số chất nội sinh hoặc ngoại sinh như bilirubin, hormon steroid, và thuốc có trong máu.
Tác dụng điều trị của albumin có liên quan đến tác dụng trên áp lực thẩm thấu keo của huyết tương; nó có thể đảm nhiệm tới 60 - 80% áp lực thẩm thấu keo đó, trong trường hợp nồng độ albumin huyết thanh bình thường (40 - 50 g/lít). Truyền 1 g albumin vào máu có thể làm tăng thể tích huyết tương tuần hoàn lên khoảng 18 ml. Lượng dịch thêm này làm giảm hematocrit và độ nhớt của máu. Các chế phẩm albumin không chứa các yếu tố đông máu và không gây ảnh hưởng đến cơ chế đông máu bình thường hay làm tăng hiện tượng đông vón máu
Albumin được phân bố trong dịch ngoài tế bào, trên 60% nằm ở khoang ngoài lòng mạch.
Thời gian tác dụng: Chỉ 15 phút sau khi tiêm albumin 25% đã làm tăng thể tích máu cho người bệnh được tiếp nước đầy đủ. Thời gian tác dụng của albumin phụ thuộc vào thể tích máu ban đầu của người bệnh. Nếu lượng máu giảm thì thời gian làm tăng thể tích máu sẽ kéo dài trong nhiều giờ, nếu lượng máu bình thường thì thời gian tác dụng sẽ ngắn hơn. Thời gian thải trừ khoảng 15 - 20 ngày.
3. Chỉ định
- Giảm thể tích huyết tương cấp hoặc bán cấp do bỏng, viêm tụy, chấn thương, phẫu thuật.
- Giảm albumin huyết nặng kèm theo giảm thể tích huyết tương và phù toàn thân trong điều kiện phải hạn chế đưa nước và điện giải và không được tăng thể tích huyết tương.
- Điều trị bổ trợ cho tăng bilirubin - máu trong bệnh tan huyết sơ sinh.
- Điều trị bổ trợ trong hội chứng suy thở người lớn (ARDS).
- Để làm loãng máu trong nối tắt tuần hoàn tim - phổi.
- Dùng dung dịch albumin để điều trị mất máu hoặc huyết tương cấp có thể gây lãng phí, các dung dịch thay thế huyết tương thích hợp hơn.
Lưu ý: Theo thông tư 20/2022/TT- BYT, chỉ định truyền albumin được Qũy bảo hiểm y tế thanh toán 70% trong các trường hợp: Nồng độ albumin < 2,5g/dL hoặc sốc hoặc hội chứng suy hô hấp tiến triển.
4. Nhóm Hợp tác Quốc tế về Hướng dẫn điều trị trong truyền máu (ICTMG): Hướng dẫn sử dụng albumin đường tĩnh mạch
- Đặt vấn đề: Albumin được sử dụng tại nhiều cơ sở lâm sàng để cải thiện huyết động, hỗ trợ chọc hút dịch và kiểm soát các biến chứng của xơ gan. Nhóm Hợp tác Quốc tế về Hướng dẫn điều trị trong truyền máu (The International Collaboration for Transfusion Medicine Guidelines - ICTMG) đã xây dựng hướng dẫn sử dụng albumin cho các bệnh nhân cần được chăm sóc tích cực, bệnh nhân sau phẫu thuật tim mạch, đang điều trị thay thế thận hoặc gặp các biến chứng của xơ gan
- Phương pháp: Những người phụ trách Nhóm Hợp tác đã giám sát quá trình xây dựng hướng dẫn điều trị, thành viên Hội đồng xây dựng hướng dẫn bao gồm các nhà nghiên cứu, bác sĩ lâm sàng, nhà nghiên cứu phương pháp và đại diện bệnh nhân. Hướng dẫn điều trị sử dụng bằng chứng từ một tổng quan hệ thống về các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên và các tổng quan hệ thống đánh giá trên nhiều cơ sở dữ liệu (từ khi bắt đầu đến ngày 23 tháng 11 năm 2022). Hội đồng đã đánh giá dữ liệu và đưa ra các hướng dẫn bằng cách sử dụng phương pháp đánh giá, phát triển và phân loại các khuyến cáo. Các hướng dẫn đã được sửa đổi sau khi tham vấn cộng đồng.
- Kết quả: Hội thảo đã đưa ra 14 khuyến cáo về việc sử dụng albumin trong đó 3 khuyến cáo trong chăm sóc tích cực cho người trưởng thành, 1 khuyến cáo trong chăm sóc tích cực cho trẻ em, 2 khuyến cáo trong chăm sóc tích cực cho trẻ sơ sinh, 2 khuyến cáo trong phẫu thuật tim mạch, 1 khuyến cáo trong liệu pháp điều trị thay thế thận và 5 khuyến cáo trong điều trị các biến chứng của xơ gan. Trong 14 khuyến cáo, 2 khuyến cáo có mức bằng chứng trung bình, 5 khuyến cáo có mức bằng chứng thấp và 7 khuyến cáo có mức bằng chứng rất thấp. Hai trong số 14 khuyến cáo đề nghị sử dụng albumin đối với bệnh nhân xơ gan được chọc hút dịch thể tích lớn hoặc bị viêm phúc mạc nguyên phát do vi khuẩn. Mười hai trong số 14 khuyến cáo không đề xuất sử dụng albumin trong nhiều tình huống lâm sàng mà albumin thường được sử dụng.
- Kết luận: Hiện tại, có rất ít chỉ định dựa trên bằng chứng cho phép việc sử dụng albumin thường quy trong thực hành lâm sàng để cải thiện kết quả của bệnh nhân. Hướng dẫn điều trị này cung cấp cho bác sĩ lâm sàng những khuyến cáo hữu ích về việc sử dụng albumin.
Bảng 1. Các khuyến cáo sử dụng albumin đường tĩnh mạch
STT | Khuyến cáo | Mức độ khuyến cáo | Mức độ bằng chứng |
1 | Ở bệnh nhân nặng, trưởng thành (không bao gồm bệnh nhân bị bỏng nhiệt hoặc có hội chứng suy hô hấp cấp tính), albumin đường tĩnh mạch không được khuyến cáo là dung dịch đầu tay để tăng thể tích tuần hoàn hoặc để tăng nồng độ albumin huyết thanh. | Khuyến cáo có điều kiện | Trung bình |
2 | Ở bệnh nhân nặng, trưởng thành, bị bỏng nhiệt hoặc có hội chứng suy hô hấp cấp tính, albumin đường tĩnh mạch không được khuyến cáo là dung dịch để tăng thể tích tuần hoàn hoặc để tăng nồng độ albumin huyết thanh. | Khuyến cáo có điều kiện | Rất thấp |
3 | Ở bệnh nhân nặng, trưởng thành, albumin đường tĩnh mạch phối hợp với thuốc lợi tiểu không được khuyến cáo để loại bỏ dịch kẽ. | Khuyến cáo có điều kiện | Rất thấp |
4 | Ở bệnh nhân nhi bị nhiễm trùng và giảm tưới máu, albumin đường tĩnh mạch không được khuyến cáo để giảm tỷ lệ tử vong. | Mạnh | Thấp |
5 | Ở trẻ sơ sinh thiếu tháng (≤ 36 tuần) có nồng độ albumin huyết thanh thấp và suy hô hấp, albumin đường tĩnh mạch không được khuyến cáo để cải thiện chức năng hô hấp. | Khuyến cáo có điều kiện | Rất thấp |
6 | Ở trẻ sơ sinh thiếu tháng (≤ 32 tuần hoặc ≤ 1,5 kg) có hoặc không có giảm tưới máu, albumin đường tĩnh mạch không được khuyến cáo là dung dịch để tăng thể tích tuần hoàn. | Khuyến cáo có điều kiện | Rất thấp |
7 | Ở bệnh nhân đang điều trị thay thế thận, albumin đường tĩnh mạch không được khuyến cáo để dự phòng hoặc điều trị hạ huyết áp trong quá trình lọc máu hoặc để cải thiện quá trình siêu lọc. | Khuyến cáo có điều kiện | Rất thấp |
8 | Ở bệnh nhân trưởng thành đang phẫu thuật tim mạch, albumin đường tĩnh mạch không được khuyến cáo để chuẩn bị mạch bắc cầu hoặc là dung dịch tăng thể tích tuần hoàn. | Khuyến cáo có điều kiện | Trung bình |
9 | Ở bệnh nhân nhi đang phẫu thuật tim mạch, albumin đường tĩnh mạch không được khuyến cáo để chuẩn bị mạch bắc cầu hoặc là dung dịch tăng thể tích tuần hoàn. | Khuyến cáo có điều kiện | Rất thấp |
10 | Ở bệnh nhân xơ gan cổ chướng đang chọc hút dịch với thể tích lớn (> 5 lít), albumin đường tĩnh mạch được khuyến cáo để dự phòng rối loạn chức năng tuần hoàn sau chọc hút. | Khuyến cáo có điều kiện | Rất thấp |
11 | Ở bệnh nhân xơ gan bị viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát, albumin đường tĩnh mạch được khuyến cáo để làm giảm tỷ lệ tử vong. | Khuyến cáo có điều kiện | Thấp |
12 | Ở bệnh nhân xơ gan bị viêm phúc mạc, albumin đường tĩnh mạch không được khuyến cáo để làm giảm tỷ lệ tử vong hoặc suy thận. | Khuyến cáo có điều kiện | Thấp |
13 | Ở bệnh nhân nội trú bị xơ gan mất bù có tình trạng giảm albumin máu (< 30 g/L), truyền albumin tĩnh mạch lặp lại để tăng nồng độ albumin > 30 g/L không được khuyến cáo để làm giảm nhiễm trùng, hạn chế rối loạn chức năng thận hoặc tử vong. | Khuyến cáo có điều kiện | Thấp |
14 | Ở bệnh nhân ngoại trú bị xơ gan cổ trướng không biến chứng dù đã điều trị bằng thuốc lợi tiểu, albumin đường tĩnh mạch không được khuyến cáo thường quy để làm giảm các biến chứng liên quan đến xơ gan. | Khuyến cáo có điều kiện | Thấp |
Tài liệu tham khảo:
1. Dược thư quốc gia năm 2022;
2. Các tờ hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất;
- Tối ưu hoá truyền liên tục Meropenem
- Quy định về duyệt cấp phát một số thuốc tại bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hoá năm 2025
- Thông tin thuốc lưu ý về tương kỵ Ciprofloxacin – Cefoperazon
- Hướng dẫn sử dụng một số thuốc dược liệu cổ truyền sử dụng tại bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa năm 2024-2025
- Phân tích thực trạng can thiệp Dược lâm sàng trong hoá trị liệu cho bênh nhân ung thư tại bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hoá năm 2022-2023
- Thời gian sử dụng tối đa của các thuốc chống viêm không steroid (nsaid)
- Phân nhóm thuốc điều trị ung thư theo cơ chế hoạt động và mục đích điều trị
- Sử dụng phác đồ dự phòng nôn và buồn nôn do hoá trị liệu trên bệnh nhân ung thư
- Nguy cơ suy thận cấp do sỏi thận sau khi sử dụng ceftriaxon
- Cập nhật " Chống chỉ định nhóm thuốc điều trị ung thư"
Tin tức mới nhất
Các ngày trong tuần từ Thứ 2 đến Chủ nhật
Mùa đông: 7:15 - 11:30 | 13:15 - 17:00
Mùa hè: 7:00 - 11:30 | 13:30 - 17:00
Trực cấp cứu: 24/24