date
CHẤT LƯỢNG TẠO DỰNG NIỀM TIN VÀ HY VỌNG!

Triển khai thành công ứng dụng sinh học phân tử phát hiện đột biến Gen trong chẩn đoán và điều trị ung thư lần đầu tiên tại Thanh Hóa

Đăng lúc: 08:17:08 22/11/2023 (GMT+7)

                 Chiều 20/11/2023, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội Nghị khoa học với chủ đề : Ứng dụng sinh học phân tử phát hiện đột biến gen trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đại trực tràng với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành Bệnh viện Bạch Mai. Về phía Bệnh viện Bạch Mai có TS. Nguyễn Thuận Lợi – Đơn vị Gen-Tế bào gốc- Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu. Về phía Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa có ThS. BSCK2. Trần Văn Thiết - Giám đốc Bệnh viện, TS.BS. Nguyễn Quang Hưng - Phó Giám đốc Bệnh viện, cùng các bác sĩ, dược sĩ lâm sàng Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa.

Ảnh 1: ThS. BSCK2. Trần Văn Thiết - Giám đốc Bệnh viện phát biểu tại Hội nghị khoa học

          Phát biểu tại Hội nghị khoa học, ThS. BSCK2. Trần Văn Thiết cho biết Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa là đơn vị đầu tiên trong tỉnh triển khai được các xét nghiệm sinh học phân tử xác định đột biến gen EGFR, KRAS, NRAS, BRAF trong ung thư vú, phổi, đại trực tràng. Năm 2022 bệnh viện đã ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật sinh học phân tử với bệnh viện Bạch Mai, tiến hành chọn cử các bác sĩ, kỹ thuật viên là nguồn nhân lực chất lượng cao của khoa Giải phẫu bệnh- Tế bào chia thành 02 kíp đi học tập tại Đơn vị gen-Tế bào gốc, bệnh viện Bạch Mai. Thực hiện thành công các quy trình xét nghiệm tại bệnh viện năm 2022 dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia đầu ngành đang công tác tại bệnh viện Bạch Mai. Sau khi trang bị đầy đủ hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại, ngày 20/11/2023 bệnh viện tổ chức Hội nghị Khoa học về Ứng dụng sinh học phân tử phát hiện đột biến gen trong các loại bệnh Ung thư trên. Từ ngày 21/11/2023 Khoa Giải phẫu bệnh - Tế bào Bệnh viện ung bướu tỉnh Thanh Hóa chính thức thực hiện xét nghiệm đột biến gen EGFR cho các bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 3,4. Xét nghiệm đột biến gen KRAS, NRAS, BRAF cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng bằng phương pháp PCR kết hợp lai đầu dò phân tử đặc hiệu trên mẫu mô cố định formalin- vùi parafin(FFPE). Các xét nghiệm thực hiện tại bệnh viện sẽ làm giảm chi phí xét nghiệm, mở rộng cơ hội điều trị liệu pháp nhắm trúng đích cho các bệnh mắc ung thư trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực lân cận mà không phải chuyển mẫu bệnh phẩm ra tuyến trung ương thực hiện và chờ đợi kết quả rất lâu. Thông thường xét nghiệm phát hiện đột biến gen nếu gửi ra tuyến Trung ương thực hiện tại các trung tâm gen mất khoảng 10 ngày gửi-nhận kết quả, trong khi thực hiện tại Bệnh viện ung bướu tỉnh Thanh Hóa chỉ mất từ 48-36 giờ. Hiện tại Xét nghiệm phát hiện đột biến gen trên: EGFR; NRAS; KRAS; BRAF thực hiện tại Bệnh viện ung bướu tỉnh Thanh Hóa đã được cơ quan BHXH thanh toán cho người bệnh theo đúng quyền lợi bảo hiểm y tế mà người bệnh được hưởng.

Ảnh 2: TS. Nguyễn Thuận Lợi - Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ tại Hội Nghị khoa học

          Tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Thuận Lợi - Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu đã chia sẻ về chủ đề ứng dụng sinh học phân tử trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Ung thư đang là mối quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia trên thế giới hiện nay. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đang có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 tử vong. Đa số các trường hợp được phát hiện ở giai đoạn muộn.

          Các nghiên cứu đã chỉ ra hầu hết các ung thư đều có sự xuất hiện của các đột biến gen. Trong đó có khoảng 90% bệnh ung thư là xuất hiện trong quá trình sống, khoảng 10% là ung thư di truyền từ thế này sang thế hệ tương lai. Khi có tình trạng đột biến gen, các tế bào tăng sinh không kiểm soát, dẫn tới hình thành khối u. Sự tồn tại của các tế bào u phụ thuộc vào các đột biến, do đó làm bất hoạt các gen đột biến sẽ làm chết các tế bào u.

          Các xét nghiệm sinh học phân tử là đột phá,là tiến bộ mới của y học, đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ điều trị các bệnh ung thư, hoặc đánh giá nguy cơ di truyền. Từ việc phát hiện sự tồn tại của các đột biến gen trong khối u mà các loại thuốc nhắm trúng đích đã được nghiên cứu thành công, tác động trực tiếp vào tế bào ung thư mà không tiêu diệt tế bào lành, ngăn chặn khối u phát triển và di căn từ đó giúp các nhà lâm sàng cá thể hóa điều trị, giúp nâng cao chất lượng điều trị,cải thiện chất lượng cuộc sống so với điều trị hóa chất kinh điển.

Ảnh 3: Các Bác sĩ trao đổi trong Hội Nghị khoa học

          Hội nghị khoa học diễn ra rất sôi nổi, những câu hỏi thắc mắc của các Bác sĩ Bệnh viện ung bướu tỉnh Thanh Hóa được TS. Nguyễn Thuận Lợi giải đáp, chia sẻ, trao đổi.

Ảnh 4: Các Bác sĩ trao đổi trong Hội Nghị khoa học

Ảnh 5: Các Bác sĩ trao đổi trong Hội Nghị khoa học

Ảnh 6: Các Bác sĩ trao đổi trong Hội Nghị khoa học

Ảnh 7: TS. Nguyễn Quang Hưng - Phó giám đốc Bệnh viện phát biểu tại Hội nghị khoa học

          Kết thúc buổi Hội nghị khoa học, TS.BS. Nguyễn Quang Hưng - Phó giám đốc Bệnh viện, gửi lời cảm ơn đến TS. Nguyễn Thuận Lợi đã đem đến một bức tranh đa dạng, cập nhật chi tiết, tư vấn đầy đủ vừa bổ sung vừa mở rộng về ứng dụng sinh học phân tử trong chẩn đoán và điều trị ung thư cho các Y bác sĩ Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa.

                                                                                                                                                                            Thùy Dung - Tổ CTXH

 

Các ngày trong tuần từ Thứ 2 đến Chủ nhật
Mùa đông: 7:15 - 11:30 | 13:15 - 17:00
Mùa hè: 7:00 - 11:30 | 13:30 - 17:00
Trực cấp cứu: 24/24

Truy cập

Hôm nay:
709
Hôm qua:
1471
Tuần này:
709
Tháng này:
46395
Tất cả:
362204