date
CHẤT LƯỢNG TẠO DỰNG NIỀM TIN VÀ HY VỌNG!

Tăng sinh lực cho Đảng ngay từ lứa đảng viên đầu tiên được kết nạp tại Bệnh viện Ung bướu

Đăng lúc: 15:56:19 18/07/2018 (GMT+7)

Từ khi thành lập, Đảng ta xác định: Phát triển Đảng, bổ sung những quần chúng ưu tú vào đội ngũ của mình luôn là một nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên, có tính quy luật trong công tác xây dựng Đảng, bảo đảm cho Đảng không ngừng phát triển, có sức sống mãnh liệt của đội tiền phong, đủ sức hoàn thành sứ mệnh lịch sử được giao. Chất lượng công tác phát triển Đảng được đánh giá thông qua kết quả của các mặt, các khâu, các bước và cách thức giải quyết mối quan hệ giữa chất lượng và số lượng đảng viên.

Đảng bộ Bệnh viện Ung bướu được thành lập theo quyết định số 293-QĐ/ĐUK ngày 27/10/2017 của Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh với 40 đảng viên sinh hoạt tại 07 chi bộ trực thuộc. Ngay sau sau khi thành lập, thực hiện theo hướng dẫn của Đảng ủy khối, Đảng ủy Bệnh viện đã chỉ đạo và tổ chức thành công đại hội các chi bộ theo đúng Điều lệ Đảng, tiếp nhận các đảng viên chuyển sinh hoạt từ nơi khác chuyển về, kiện toàn tổ chức đồng thời nhanh chóng tìm nguồn bồi dưỡng kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng. Được sự đồng ý của Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 22/6/2018- 28/6/2018, các chi bộ trực thuộc dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Bệnh viện Ung bướu đã trang trọng tổ chức kết nạp đảng viên mới cho 07 quần chúng ưu tú. Đây là những quần chúng ưu tú đầu tiên được lựa chọn, đã trải qua quá trình rèn luyện trong thực tiễn, bằng sự nỗ lực phấn đấu của bản thân nguyện đi theo lý tưởng cách mạng của Đảng. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với Bệnh viện bởi nó đánh dấu bước khởi đầu cho công tác phát triển Đảng của Bệnh viện Ung bướu, nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Đảng bộ. Đảng bộ Bệnh viện Ung bướu rất vui mừng, phấn khởi và hy vọng những đảng viên mới này sẽ góp thêm sức trẻ, làm tăng thêm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng chỉ có thể có được trên cơ sở số lượng và chất lượng đội ngũ đảng viên tương ứng. Do đó, Đảng phải thường xuyên làm tốt công tác phát triển Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phân tích: “Nếu Đảng ta không biết chọn lọc, kết nạp, đề bạt đồng chí mới thì đâu có như ngày nay”(1); “Để làm tròn nhiệm vụ rất nặng nề nhưng rất vẻ vang… Đảng phải phát triển tổ chức của mình một cách thận trọng, vững chắc và rộng rãi trong quần chúng” (2). Đây chính là tính tất yếu, yêu cầu, phương châm, phương pháp của công tác phát triển đảng mà Người vạch rõ cho chúng ta.

Tư tưởng xuyên suốt trong quan điểm của Hồ Chí Minh về phát triển Đảng chính là “coi trọng chất lượng”. Theo Người, Đảng mạnh không phải chỉ do số lượng đảng viên quyết định; số lượng đảng viên chỉ trở thành sức mạnh một khi nó đạt những yêu cầu về chất lượng; nếu không quán triệt và thực hiện đúng đắn vấn đề có tính nguyên tắc đó, thì dù có kết nạp được nhiều đảng viên vẫn không thể làm cho tổ chức đảng mạnh lên mà trái lại có khi còn làm cho tổ chức đảng trở nên lỏng lẻo, biến Đảng thành câu lạc bộ, không làm tròn vai trò người lãnh đạo. Do vậy, Người luôn nhắc nhở: “Đảng không phải chỉ cần số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên”(3); đặc biệt Người nhấn mạnh, khi tiến hành phát triển đảng “phải nắm vững phương châm phát triển Đảng là trọng chất hơn lượng”(4).

Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Đảng ta cũng đã rất đau lòng chỉ rõ tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên phấn đấu để trở thành đảng viên của Đảng chưa thực sự tạo ra khí thế mạnh mẽ như những năm trước đây, trong khi các thế lực thù địch ráo riết thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, tạo ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng bằng những phương thức và các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Tình hình đó tác động không nhỏ đến phương hướng, nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có công tác phát triển Đảng. Cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, công tác phát triển Đảng cần phải được các cấp ủy Đảng đặc biệt quan tâm.

Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) nêu rõ: “Công tác phát triển Đảng phải làm tăng thêm sinh lực cho Đảng, trẻ hóa đội ngũ, bảo đảm sự kế thừa và phát triển của Đảng. Làm tốt công tác tạo nguồn để lựa chọn, bồi dưỡng, kết nạp những người ưu tú, có đủ tiêu chuẩn trong đoàn viên thanh niên, công nhân, nông dân, trí thức, chiến sĩ các LLVT...; chú ý các cơ sở trọng yếu, những nơi còn ít và chưa có đảng viên. Coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, bảo đảm chặt chẽ về nguyên tắc, đồng thời không định kiến hẹp hòi”.

Ngày nay, đất nước ta bước vào thời kỳ hội nhập, đẩy mạnh CNH, HĐH trong tiến trình quá độ lên CNXH; công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới có nhiều thuận lợi song chúng ta vẫn phải đối mặt với những tình huống hết sức khó khăn và phức tạp; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định tạo nên những thành tựu đổi mới to lớn hơn. Điều đó đòi hỏi Đảng ta hơn bao giờ hết phải tiếp tục nâng cao phẩm chất cách mạng và khoa học, không ngừng củng cố sức mạnh chiến đấu. Yêu cầu xây dựng Đảng ngang tầm đòi hỏi của thời kỳ mới đặt ra cho công tác phát triển đảng những yêu cầu mới. Tuy vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh và phương châm, phương hướng về công tác phát triển Đảng mà Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) đã nêu đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Để quán triệt và thực hiện đúng đắn những quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển đảng, theo chúng tôi, cần tập trung làm tốt mấy vấn đề sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng đối với công tác phát triển Đảng đồng thời phải xác định và vận dụng đúng đắn tiêu chuẩn đảng viên. Đây là được xem là vấn đề then chốt. Tiêu chuẩn đảng viên là những chuẩn mực nói lên bản chất của người đảng viên, là căn cứ để phân biệt sự khác nhau giữa người đảng viên với quần chúng; là cơ sở để cho từng đảng viên tự tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện; là căn cứ để thu nạp những quần chúng tốt vào Đảng, loại bỏ những đảng viên thoái hoá ra khỏi Đảng. Tiêu chuẩn đảng viên trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ cách mạng biểu hiện tuy có khác nhau, song bản chất của nó không hề thay đổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những tiêu chuẩn cơ bản thể hiện bản chất đó:

“Từ nay về sau, tất cả các đảng viên, cán bộ và chi bộ cần thường xuyên ôn lại, tự liên hệ và giữ cho đúng những tiêu chuẩn của người đảng viên.

1. Suốt đời kiên quyết phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.

2. Rèn luyện tư tưởng vô sản, sửa chữa những tư tưởng sai lầm, kiên quyết đứng hẳn trên lập trường giai cấp công nhân, không đứng chân trong chân ngoài.

3. Đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết. Biết đem lợi ích riêng, lợi ích của cá nhân phục tùng lợi ích chung của cách mạng.

4. Tuyệt đối chấp hành nghị quyết và đường lối của Đảng.

5. Liên hệ chặt chẽ với quần chúng.

6. Luôn luôn cố gắng học tập, thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình đồng chí mình”(6).

Khi vận dụng tiêu chuẩn đảng viên để xem xét kết nạp quần chúng vào Đảng, Người căn dặn các tổ chức đảng phải đặc biệt quan tâm đến sự giác ngộ, lòng trung thành, thái độ trách nhiệm với Đảng, với nhân dân của người xin vào Đảng; Người nhấn mạnh: “Gọi là đảng viên thì phải nhận rõ, phải biết rõ Đảng ta phải làm gì, vào Đảng để làm gì”(7).

Hai là, phải thực hiện tốt phương hướng phát triển đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phương hướng phát triển Đảng là yếu tố quan trọng đảm bảo cho công tác phát triển đảng có chất lượng, giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Người chỉ rõ: bất kỳ ai tự nguyện rèn luyện tư tưởng, lập trường giai cấp công nhân, muốn đứng trong hàng ngũ của Đảng để phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, xét thấy có đủ điều kiện thì kết nạp vào Đảng. Có như vậy mới thường xuyên tăng thêm nguồn sinh lực và sức chiến đấu mới cho Đảng, tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Ba là, chủ động làm tốt công tác phát hiện, tạo nguồn phát triển Đảng - khâu đầu tiên trong quy trình phát triển Đảng. Công tác phát triển Đảng phải tích cực, thận trọng, phát triển phải luôn luôn đi đôi với củng cố. Một quần chúng tốt, có động cơ phấn đấu vào Đảng đúng đắn, nếu không được sự quan tâm của cấp ủy, tổ chức Đảng đưa vào nguồn bồi dưỡng, rèn luyện để kết nạp Đảng thì ý chí, động cơ phấn đấu của họ sẽ bị mai một, thậm chí họ không có cơ hội để đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tổ chức đảng phải có kế hoạch phát triển Đảng trong từng thời kỳ, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng của Đảng; phải tiến hành thật tích cực, chủ động, không ỷ lại ngồi chờ người có đủ điều kiện rồi kết nạp theo lối ăn sẵn; phải gây dựng, đẩy mạnh phong trào cách mạng để trên cơ sở đó mà phát hiện, tìm hiểu, tuyên truyền, giáo dục và rèn luyện các phần tử tích cực, nâng cao dần trình độ của họ, giúp cho họ có đủ điều kiện trở thành người đảng viên. Khi xét kết nạp người vào Đảng, cần phải xem xét toàn diện cả trình độ giác ngộ, động cơ vào Đảng; cả phẩm chất đạo đức và năng lực hành động thực tế; cả lý lịch gia đình, bản thân và uy tín trước quần chúng…; phải xem xét sự rèn luyện, tu dưỡng và kết quả hoàn thành nhiệm vụ trong một quá trình liên tục với những đều kiện, hoàn cảnh và những thử thách khác nhau; phải thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc, thủ tục kết nạp đảng; hết sức cảnh giác, đề phòng các phần tử thù địch, cơ hội chui vào Đảng. Không được giản đơn, phiến diện, chạy theo chỉ tiêu số lượng, kết nạp ẩu; hoặc vin vào thận trọng dẫn đến rụt rè, bảo thủ, hẹp hòi, cục bộ.

Phát triển Đảng phải luôn luôn đi đôi với củng cố, chỉnh đốn Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đây là hai vấn đề có quan hệ hữu cơ với nhau trong xây dựng Đảng. Củng cố Đảng tốt là điều kiện để tiến hành phát triển Đảng có chất lượng, phát triển Đảng có chất lượng là cơ sở để củng cố Đảng tốt hơn. Do đó, cấp ủy đảng cần phải xem công tác củng cố và phát triển đảng là công tác quan trọng và thường xuyên. Phải coi trọng giáo dục rèn luyện đội ngũ đảng viên để mỗi đảng viên vừa là “người lãnh đạo” vừa là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”; là tấm gương để quần chúng ngưỡng mộ, muốn vào Đảng, được là đồng chí của những người tiên tiến. Đồng thời, phải kiên quyết loại ra khỏi Đảng những phần tử thoái hoá, biến chất không xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Bốn là, thực hiện tốt các bước phát triển Đảng - quá trình lựa chọn, chuyển hoá những quần chúng ưu tú trong đấu tranh cách mạng thành những chiến sĩ cộng sản, quá trình đó chỉ đạt hiệu quả cao khi nó được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ gồm các bước cụ thể sau đây:

-Bước thứ nhất là phát hiện, lựa chọn đưa vào nguồn phát triển Đảng những quần chúng ưu tú thông qua phong trào cách mạng của quần chúng, “có lịch sử chính trị rõ ràng”, “đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong việc đấu tranh”, “liên lạc mật thiết với quần chúng”, tin tưởng vào Đảng và có nguyện vọng muốn gia nhập Đảng để phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Việc tạo nguồn phát triển Đảng do tổ chức có thẩm quyền quyết định, dựa trên cơ sở phát hiện, giới thiệu của đảng viên, tổ đảng và tổ chức quần chúng của Đảng.

- Bước thứ hai là tuyên truyền, giác ngộ, giáo dục, rèn luyện, thử thách. Nội dung giáo dục, rèn luyện phải toàn diện; cả phẩm chất và năng lực; cả chính trị, đạo đức và nghiệp vụ chuyên môn, trong đó “lấy đức làm gốc”. Phương pháp cơ bản để giáo dục, chuyển hoá quần chúng là: Động viên quần chúng tự giác, rèn luyện theo tiêu chuẩn đảng viên; đồng thời, thông qua hoạt động sản xuất, đấu tranh cách mạng và bằng giáo dục, thuyết phục, nêu gương, tự phê bình và phê bình trong các đoàn thể cách mạng mà cảm hoá, xây dựng, nâng dần trình độ giác ngộ của quần chúng từ thấp lên cao, từ giác ngộ dân tộc đi đến giác ngộ giai cấp, từ tán thành những chủ trương, chính sách của Đảng đi đến ủng hộ, đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và tự nguyện xin gia nhập Đảng.

- Bước thứ ba là kết nạp quần chúng vào Đảng theo đúng thủ tục mà Điều lệ Đảng đã quy định.

- Bước thứ tư là tiếp tục bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đảng viên mới và làm đúng, đủ các thủ tục chuyển đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức.

Để thực hiện có hiệu quả quy trình trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn: trong công tác phát triển đảng, các tổ chức đảng phải có kế hoạch, có kiểm tra, đôn đốc và thường xuyên tổng kết đúc rút kinh nghiệm; phải gắn kết hoạt động phát triển Đảng với các hoạt động xây dựng đảng, xây dựng đơn vị và thực hiện nhiệm vụ chính trị; phát huy được sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng tham gia xây dựng, phát triển Đảng; “... Đảng ta phải rất mạnh, phải phát triển không ngừng, nhưng phải nhiều về số lượng đồng thời phải có chất lượng tốt mới làm tròn được nhiệm vụ lãnh đạo” ./.

                                                                                                                                                                                                      Nguyễn Quang Hưng 

TLTK: (1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 10, tr.467. (2) Sđd, tập 10, tr.20,21. (3) Sđd, tập 12, tr.222. (4) Sđd, tập 11, tr.155. (5) Sđd, tập 10, tr.69. (6) Sđd, tập 12, tr.221.

 

Các ngày trong tuần từ Thứ 2 đến Chủ nhật
Mùa đông: 7:15 - 11:30 | 13:15 - 17:00
Mùa hè: 7:00 - 11:30 | 13:30 - 17:00
Trực cấp cứu: 24/24

Truy cập

Hôm nay:
222
Hôm qua:
3762
Tuần này:
6454
Tháng này:
40185
Tất cả:
355994